“Tôi thực sự không nghĩ Tacnom lại nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt như vậy. Tôi vui quá xá vui” – ông Takashi Kiyose, giám đốc điều hành trang web Tacnom, không giấu được cảm xúc khi chia sẻ với hãng tin Reuters.
Tacnom, trong tiếng Nhật có nghĩa là “đồ uống tại nhà”, đã thu hút được hơn 2,4 triệu người dùng chỉ trong vòng 2 tháng đầu tiên ra mắt.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng các lệnh giãn cách xã hội khiến nhiều người bị ngăn cấm ra đường, sự phát triển nhanh chóng của Tacnom cho thấy nếu biết nắm bắt thời thế có thể thành công nhanh chóng.
Nomikai, hay các cuộc tụ tập uống rượu, từ lâu đã được nhiều người Nhật coi là trung tâm để xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa bạn bè hay gắn kết đồng nghiệp trong công ty. Tacnom đã khai thác nét văn hóa này và đạt thành tựu nhờ… COVID-19.
Tacnom không yêu cầu tải xuống máy tính để cài đặt hay đăng ký thành viên rắc rối như các công cụ gọi video khác. Người dùng Tacnom chỉ cần tạo liên kết URL và chia sẻ với bạn bè của mình để tham gia các cuộc nhậu online tối đa 12 người.
Ông Kiyose hi vọng dịch vụ Tacnom sẽ giúp mọi người vừa giữ an toàn vừa giữ các mối quan hệ trong mùa dịch COVID-19.
Gree, một công ty chuyên về game của Nhật, đã cho mỗi nhân viên 3.000 yen/tháng (khoảng 650.000 đồng) kể từ tháng 4 cho các khoản ăn uống tại nhà và khuyến khích mọi người “nhậu online” để giữ sự gắn kết.
Không chỉ là nơi tụ họp online của dân văn phòng, Tacnom còn trở thành điểm hẹn của các hội nhóm có cùng sở thích. Một người dùng Tacnom tự nhận tên là Anzu đã có một buổi uống bia online với 8 người khác trong hội những người thích mặc quần áo khác giới.
“Tụi tôi định hẹn ở quán karaoke nhưng tất cả đều đóng cửa nên mới chuyển sang Tacnom”, Anzu giãi bày.
Nhật Bản vẫn trong tình trạng khẩn cấp cho đến cuối tháng 5, trong đó chính quyền địa phương yêu cầu người dân ở trong nhà và hạn chế ra ngoài không cần thiết.
Theo đài NHK, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp tại 39 trên tổng số 47 tỉnh của nước này.
Nguồn: Tuổi Trẻ